Tư vấn doanh nghiệp

Tại sao doanh nghiệp đa cấp cần phải ký quỹ và chỉ được rút tiền ký quỹ

Mục lục

TẠI SAO DOANH NGHIỆP MUỐN KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP PHẢI KÝ QUỸ VÀ CHỈ ĐƯỢC RÚT TIỀN KÝ QUỸ KHI ĐƯỢC BỘ CÔNG THƯƠNG CHO PHÉP ?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ các vấn đề sau:

  • Ký quỹ là gì ? Nguyên tắc quản lý số tiền ký quỹ ra sao ?
  • Tại sao lại phải ký quỹ ?

Ký quỹ là gì? Quyền & nghĩa vụ 3 bên tham gia giao dịch ký quỹ

Tại sao lại phải ký quỹ ?

(nguồn: DNSE)

Trước hết, theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã định nghĩa về ký quỹ như sau : “Ký quỹ việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.”

Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản là ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ sẽ phải gửi một khoản tiền hoặc tài sản, giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong tỏa của một tổ chức tín dụng, cụ thể ở đây là ngân hàng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp mà bên có nghĩa vụ không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thể bên có quyền sẽ được tổ chức tín dụng nơi bên có nghĩa vụ đã ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ kỹ quỹ của ngân hàng. Ký quỹ là một trong bảy biện pháp bảo đảm được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Điểm khác biệt giữa kỹ quỹ và các biện pháp bảo đảm khác là thứ nhất, tài sản không được giao cho bên có quyền giữ, cụ thể ở đây là tài sản được giao cho một bên thứ ba , được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng. Thứ hai, tài sản cũng không đương nhiên thuộc quyền sở hữu của bên có quyền cho đến khi được ngân hàng thanh toán. Việc thanh toán chỉ xảy ra khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự đã cam kết.

          Hiện nay, đối với rất nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện đều quy định một trong những điều kiện để kinh doanh ngành nghề đó là doanh nghiệp cần thực hiện việc ký quỹ. Số tiền ký quỹ và điều kiện ký quỹ thường được quy định trong văn bản pháp luật chuyên ngành của ngành nghề, lĩnh vực đó. Trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, tiền ký quỹ được quy định trong Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Để thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp phải tiến hành mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng (mười tỷ đồng) tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Số tiền trên sẽ được ngân hàng này phong tỏa trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Mục đích của số tiền này nhằm đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và Nhà nước trong các trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm các nghĩa vụ với các bên liên quan. Cụ thể là, doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý các tranh chấp giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp liên quan đến các nghĩa vụ đó. Thứ hai là, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp đã có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.

Vậy khi nào thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể rút số tiền mà mình ký quỹ ? Tại sao doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ có thể rút kỹ quỹ khi có văn bản đồng ý của Bộ công thương ?  

Như đã phân tích ở trên, mục đính chính của việc ký quỹ là nhằm đảm bảo nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và với nhà nước.  Chỉ trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp và nhà nước thì số tiền này mới “bị xử lý” theo quy định. Còn trong trường hợp, khi không muốn hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nữa thì doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và thực hiện thủ tục xin rút ký quỹ theo quy định.  Sau khi doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ với người tham gia bán hàng đa cấp và nhà nước (nếu có) thì sẽ được Bộ công thương ra văn bản đồng ý cho phép rút số tiền kỹ quỹ. Trong quá trình doanh nghiệp nộp hồ sơ, Bộ công thương sẽ tiến hành đăng tải đề nghị rút kỹ quỹ của doanh nghiệp lên trang thông tin điện tử của Bộ công thương. Nếu doanh nghiệp bán hàng đa cấp chưa hoàn thành nghĩa vụ thì người tham gia bán hàng đa cấp và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm thông báo về Bộ công thương để Bộ công thương biết và yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp giải quyết. Khi đó doanh nghiệp phải tiếp tục giải quyết cho đến khi hoàn thành tất cả các nghĩa vụ. Còn trường hợp không có thông báo nào của người tham gia bán hàng đa cấp hoặc các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp gửi tới Bộ Công Thương trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công thương đăng tải thì cơ quan này sẽ ban hành văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp rút tiền ký quỹ. Sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ công thương thì doanh nghiệp liên hệ với Ngân hàng để làm thủ tục nhận lại số tiền ký quỹ. Trên thực tế thì việc thực hiện thủ tục để xin rút ký quỹ khá phức tạp, nhất là đối với đối với các doanh nghiệp có nhiều người tham gia bán hàng đa cấp và hoạt động ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Chỉ khi doanh nghiệp chứng minh được việc mình đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thì mới được Bộ công thương đồng ý cho rút ký quỹ.

Trên đây là một số quy định liên quan đến việc ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp, cũng như điều kiện để rút số tiền đã ký quỹ. Hi vọng rằng với những thông tin trên đây có thể giúp Quý bạn đọc hiểu rõ hơn về quy định đối với việc ký quỹ nói chung và việc ký quỹ trong lĩnh vực bán hàng đa cấp nói riêng. Mọi thắc mắc liên quan đến chủ đề này, Quý bạn đọc có thể liên hệ hoặc gửi về:

Công ty Luật TNHH Trí Minh

Địa chỉ: tầng 5, số 1 Thái Hà, Tòa nhà Việt/ Viet Tower (Parkson), Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội.

Điện thoại liên hệ: 0243.766.9599

Email: lienhe@luattriminh.vn

Luật sư Nguyễn Văn Trung

 

 

  • CÔNG TY LUẬT TRÍ MINH - TRI MINH LAW FIRM

    • Hà Nội: Tầng 5, Số 1 Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa

    • SĐT: (024).3766.9599

    • HCM: Tầng 11, Tòa Nhà 246, Số 246 Cống Quỳnh, P Phạm Ngũ Lão, Q1

    • SĐT: (028).3933.3323

    • Email: contact@luattriminh.vn

    • https://www.luattriminh.vn

GỌI LUẬT SƯ | YÊU CẦU BÁO PHÍ | ĐẶT LỊCH HẸN

Liên hệ với chúng tôi

Điền thông tin của bạn vào đây