Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một trong những khoản nghĩa vụ tài chính quan trọng mà người lao động cần nắm rõ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ cách tính thuế, mức giảm trừ hay các quy định liên quan, dẫn đến việc nộp thừa hoặc thiếu thuế mà không hay biết. Bạn có thắc mắc liệu mình có thuộc diện phải nộp thuế không? Số thuế cần đóng là bao nhiêu? Bài viết hôm nay,, Luật Trí Minh sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách tính thuế thu nhập cá nhân, giúp bạn dễ dàng xác định số thuế phải nộp và thực hiện kê khai chính xác, tránh những sai sót không đáng có.
Mục lục
Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản thuế đánh vào thu nhập của cá nhân có phát sinh thu nhập chịu thuế, bao gồm tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh, đầu tư, chuyển nhượng tài sản và các khoản thu nhập khác. Đây là nghĩa vụ tài chính mà cá nhân phải thực hiện đối với Nhà nước nhằm đóng góp vào ngân sách quốc gia.
Mục đích của thuế TNCN và đối tượng phải nộp thuế
Mục đích của thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân không chỉ là một nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước mà còn có vai trò điều tiết kinh tế – xã hội, cụ thể:
- Đóng góp vào ngân sách nhà nước: Thuế TNCN giúp Nhà nước có nguồn tài chính để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ công cộng.
- Đảm bảo công bằng xã hội: Việc thu thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần giúp điều tiết thu nhập, giảm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
- Kiểm soát và minh bạch tài chính cá nhân: Thông qua thuế TNCN, Nhà nước có thể theo dõi dòng tiền và hạn chế tình trạng trốn thuế, rửa tiền.
Đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định, thuế TNCN áp dụng cho hai nhóm đối tượng chính:
– Cá nhân cư trú (người có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong 12 tháng hoặc có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam):
- Phải nộp thuế với thu nhập toàn cầu, bao gồm cả thu nhập kiếm được ở Việt Nam và nước ngoài.
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công, kinh doanh, đầu tư, chuyển nhượng bất động sản, bản quyền, trúng thưởng,… đều thuộc diện chịu thuế.
– Cá nhân không cư trú (người không đáp ứng điều kiện cư trú nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam): Chỉ phải nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam, với mức thuế suất cố định tùy theo từng loại thu nhập.
Các khoản thu nhập chịu thuế và thu nhập được miễn thuế
Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi, bổ sung), các khoản thu nhập phải chịu thuế bao gồm:
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công
- Thu nhập từ kinh doanh
- Thu nhập từ đầu tư vốn: Tiền lãi cho vay, lợi tức cổ phần, cổ tức từ góp vốn sản xuất, kinh doanh.
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn: Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp.
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản: Thu nhập từ mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất.
- Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại: Khoản tiền thu được từ việc chuyển nhượng, cấp quyền sử dụng tài sản trí tuệ, nhãn hiệu.
- Thu nhập từ trúng thưởng: Trúng thưởng xổ số, khuyến mãi, trò chơi điện tử có thưởng.
- Thu nhập từ thừa kế, quà tặng: Giá trị tài sản nhận được từ thừa kế, tặng cho là bất động sản, cổ phần, vốn góp.
Các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân
Hiện nay, có 16 loại thu nhập được miễn thuế, bao gồm:
- Chuyển nhượng bất động sản giữa các thành viên trong gia đình (vợ chồng, cha mẹ – con, ông bà – cháu, anh chị em ruột). Nếu tài sản chung của vợ chồng được chia khi ly hôn, cũng thuộc diện miễn thuế.
- Chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu cá nhân chỉ sở hữu một bất động sản duy nhất và đáp ứng điều kiện về thời gian sở hữu tối thiểu 183 ngày.
- Giá trị quyền sử dụng đất do Nhà nước giao không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất.
- Thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa các thành viên gia đình như vợ chồng, cha mẹ – con, ông bà – cháu, anh chị em ruột.
- Chuyển đổi đất nông nghiệp để hợp lý hóa sản xuất, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất.
- Thu nhập từ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối nếu chưa qua chế biến hoặc chỉ sơ chế đơn giản, với điều kiện người lao động trực tiếp tham gia sản xuất.
- Lãi tiền gửi, bảo hiểm nhân thọ, lãi trái phiếu Chính phủ.
- Thu nhập từ kiều hối do thân nhân ở nước ngoài gửi về.
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công làm ban đêm, làm thêm giờ, phần trả cao hơn mức lương bình thường.
- Lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội hoặc Quỹ hưu trí tự nguyện chi trả, kể cả lương hưu từ nước ngoài.
- Học bổng từ ngân sách Nhà nước hoặc tổ chức trong nước, quốc tế theo chương trình khuyến học.
- Bồi thường bảo hiểm, bồi thường tai nạn lao động, hỗ trợ tái định cư và các khoản bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Thu nhập từ các quỹ từ thiện, nhân đạo, khuyến học được Nhà nước công nhận và không nhằm mục đích thu lợi nhuận.
- Thu nhập từ tổ chức quốc tế, Chính phủ nước ngoài, tổ chức phi chính phủ nếu được miễn thuế theo điều ước quốc tế.
- Trợ cấp xã hội, trợ cấp một lần theo quy định (trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động…).
- Các khoản hỗ trợ khác theo quy định pháp luật.
Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân bằng công thức
Dưới đây là cách tính thuế thu nhập cá nhân dành cho cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công:
Cá nhân cư trú
Trường hợp 1: Ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên
Theo quy định tại điểm b.1 và b.2 khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân cư trú có hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên sẽ chịu thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Cụ thể:
- Nếu ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một hoặc nhiều nơi, tổ chức chi trả thu nhập sẽ khấu trừ thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
- Trường hợp cá nhân nghỉ việc trước khi hết hạn hợp đồng, thuế vẫn được khấu trừ theo biểu thuế này.
Theo Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC (đã sửa đổi tại khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC), công thức tính thuế thu nhập cá nhân cho đối tượng này như sau:
Số thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế × Thuế suất |
*** Trong đó:
– Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ (gia cảnh, bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học).
– Thuế suất áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần dưới đây:
Bậc thuế | Thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) | Thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 60 – 120 | Trên 5 – 10 | 10 |
3 | Trên 120 – 216 | Trên 10 – 18 | 15 |
4 | Trên 216 – 384 | Trên 18 – 32 | 20 |
5 | Trên 384 – 624 | Trên 32 – 52 | 25 |
6 | Trên 624 – 960 | Trên 52 – 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân cũng có thể được tính theo phương pháp rút gọn theo bảng sau:
Bậc | Thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) | Công thức tính số thuế phải nộp |
1 | Đến 5 | 5 | 5% × TNTT |
2 | Trên 5 – 10 | 10 | 10% × TNTT – 0,25 trđ |
3 | Trên 10 – 18 | 15 | 15% × TNTT – 0,75 trđ |
4 | Trên 18 – 32 | 20 | 20% × TNTT – 1,65 trđ |
5 | Trên 32 – 52 | 25 | 25% × TNTT – 3,25 trđ |
6 | Trên 52 – 80 | 30 | 30% × TNTT – 5,85 trđ |
7 | Trên 80 | 35 | 35% × TNTT – 9,85 trđ |
Trường hợp 2: Không ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dưới 03 tháng
Theo điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân cư trú không có hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng dưới 03 tháng, nếu có tổng thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì bị khấu trừ thuế 10% trước khi nhận lương.
Trường hợp cá nhân chỉ có nguồn thu nhập này và sau khi trừ gia cảnh vẫn chưa đến mức nộp thuế, có thể làm cam kết gửi tổ chức chi trả thu nhập để tạm thời chưa khấu trừ thuế.
Cá nhân phải chịu trách nhiệm về cam kết của mình, nếu có gian lận sẽ bị xử lý theo Luật Quản lý thuế 2019. Đồng thời, cá nhân cần có mã số thuế tại thời điểm làm cam kết (Mẫu 08/CK-TNCN – Thông tư 80/2021/TT-BTC).
Công thức tính thuế đối với trường hợp này:
Số thuế TNCN phải nộp = Thu nhập trước khi trả × 10% |
Cá nhân không cư trú
Theo khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân không cư trú được tính theo công thức:
Số thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế × 20%
Nếu cá nhân làm việc tại cả Việt Nam và nước ngoài nhưng không thể tách riêng thu nhập tại Việt Nam, thu nhập chịu thuế được tính như sau:
Trường hợp 1: Cá nhân không hiện diện tại Việt Nam
Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam = (Số ngày làm việc tại Việt Nam ÷ Tổng số ngày làm việc trong năm) × Thu nhập toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác phát sinh tại Việt Nam |
Trường hợp 2: Cá nhân có mặt tại Việt Nam
Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam = (Số ngày có mặt tại Việt Nam ÷ 365 ngày) × Thu nhập toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác phát sinh tại Việt Nam |
Thu nhập chịu thuế khác là các khoản lợi ích khác (bằng tiền hoặc hiện vật) do người sử dụng lao động trả cho người lao động.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân online
Để giúp bạn dễ dàng nắm bắt cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN), dưới đây là ví dụ về một cá nhân cư trú A với các thông tin cụ thể như sau:
– Khu vực áp dụng mức lương tối thiểu: Vùng I
– Tổng thu nhập hàng tháng: 35,000,000đ
– Lương đóng bảo hiểm: 35,000,000đ
– Số người phụ thuộc: 2 người
Dựa trên các thông tin trên, có thể áp dụng cách tính thuế TNCN online theo một số công cụ trực tuyến như sau.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân trên Thuvienphapluat
Bạn có thể sử dụng tiện ích tính thuế thu nhập cá nhân của Thư Viện Pháp Luật bằng cách làm theo các bước sau:
– Bước 1: Truy cập công cụ tính thuế tại: Thư Viện Pháp Luật
– Bước 2: Chọn vùng lương theo địa bàn áp dụng từ ngày 01/7/2024.
– Bước 3: Nhập thu nhập tháng (tính theo lương ghi trên hợp đồng).
– Bước 4: Nhập mức lương đóng bảo hiểm.
– Bước 5: Nhập số người phụ thuộc.
– Bước 6: Nhấn Enter để xem kết quả.
👉 Kết quả thuế TNCN phải nộp của A: 978,750đ
*** Diễn giải cách tính thuế TNCN trên Thư Viện Pháp Luật
– Mức đóng: BHXH (8%), BHYT (1.5%), BHTN (1%)
– Mức lương tối đa để đóng BHXH, BHYT là: 36,000,000 (không quá 20 lần mức lương cơ sở)
– Mức lương tối đa để đóng BHTN là: 93,600,000 (không quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng)
– Bảo hiểm bắt buộc = 35,000,000 x 8% + 35,000,000 x 1.5% + 35,000,000 x 1% = 3,675,000đ
– Giảm trừ bản thân = 11,000,000
– Giảm trừ người phụ thuộc = 2 x 4,400,000 = 8,800,000
– Thu nhập tính thuế = 35,000,000 – 3,675,000 – 11,000,000 – 8,800,000 = 11,525,000
– Mức thuế áp dụng đối với 11,525,000 là 15% – 750,000 (tham khảo bảng bên dưới)
👉 Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 11,525,000 x 15% – 750,000 = 978,750đ
Cách tính thuế TNCN online trên LuatVietNam
Thực hiện tính thuế TNCN nhanh chóng trên Luật Việt Nam bằng cách:
– Bước 1: Truy cập công cụ tại: LuatVietNam
– Bước 2: Nhập tổng thu nhập (lương NET sau khi trừ bảo hiểm bắt buộc).
Lương NET = 35.000.000 – 3.675.000 = 31.325.000đ
– Bước 3: Nhập số người phụ thuộc (2 người).
– Bước 4: Nhấn “Tính thuế” để xem kết quả.
👉 Kết quả thuế TNCN phải nộp của A: 455.000đ
*** Diễn giải cách tính thuế TNCN:
– Giảm trừ bản thân = 11.000.000
– Giảm trừ người phụ thuộc = 2 x 4.400.000 = 8.800.000
– Thu nhập chịu thuế = 31.325.000 – 11.000.000 – 8.800.000 = 11.525.000
+ Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 05 triệu đồng, thuế suất 5%:
5.000.000 × 5% = 250.000
+ Bậc 2: Thu nhập tính thuế trên 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%:
(10.000.000 – 5.000.000) × 10% = 500.000
+ Bậc 3: Thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%:
(11.525.000 – 10.000.000) × 15% = 228.750
👉 Thuế thu nhập cá nhân = 250.000 + 500.000 + 228.750 = 978.750
Cách tính thuế TNCN online trên TopCV
Bạn có thể sử dụng công cụ tính thuế TNCN trên TopCV theo các bước:
– Bước 1: Truy cập công cụ tại: TopCV
– Bước 2: Nhập các thông tin bao gồm:
- Thu nhập (Lương Gross) : 30.000.000đ
- Mức đóng lương bảo hiểm : chọn “Trên lương chính thức“
- Vùng : Vùng I
- Số người phụ thuộc: 2 người
– Bước 3: Nhấn “Tính thuế TNCN” để nhận kết quả.
👉 Kết quả số thuế TNCN phải nộp là A: 455.000đ
Các câu hỏi thường gặp về thuế thu nhập cá nhân
Khi nào cần quyết toán thuế?
– Cá nhân có thu nhập chịu thuế nhưng chưa được khấu trừ đầy đủ: Nếu bạn có thu nhập từ nhiều nguồn hoặc chưa bị khấu trừ thuế đúng quy định, bạn cần quyết toán thuế để xác định số thuế phải nộp hoặc được hoàn lại.
– Cá nhân muốn được hoàn thuế hoặc bù trừ thuế: Nếu trong năm bạn đã nộp thuế nhiều hơn số thuế phải đóng, bạn có thể thực hiện quyết toán để được hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ sau.
– Doanh nghiệp quyết toán thuế thay cho người lao động: Nếu bạn chỉ có thu nhập từ một nơi và đã ủy quyền cho doanh nghiệp, công ty sẽ quyết toán thuế thay bạn theo quy định của pháp luật.
Có được hoàn thuế TNCN không?
Cá nhân có thể được hoàn thuế TNCN nếu đã nộp nhiều hơn số thuế thực tế phải đóng sau khi quyết toán. Điều này thường xảy ra khi thu nhập chưa đến mức phải chịu thuế hoặc do khấu trừ thuế cao hơn mức quy định.
Người nộp thuế phải có mã số thuế cá nhân và đã thực hiện quyết toán thuế. Ngoài ra, số tiền thuế nộp thừa có thể được hoàn hoặc bù trừ vào nghĩa vụ thuế kỳ sau theo yêu cầu của cá nhân.
So sánh cách tính Thuế TNCN online và tính thủ công
Dưới đây là bảng so sánh cách tính Thuế TNCN online và cách tính thủ công:
Tiêu chí | Tính thuế TNCN online | Tính thuế TNCN thủ công |
Cách thực hiện | Nhập thông tin vào công cụ tính thuế trên các trang web pháp lý | Tự tính toán theo công thức quy định của Luật thuế TNCN |
Độ chính xác | Cao, do hệ thống tự động tính theo công thức cập nhật mới nhất | Phụ thuộc vào độ chính xác khi áp dụng công thức, dễ xảy ra sai sót |
Tốc độ | Nhanh, có kết quả ngay sau khi nhập thông tin | Mất thời gian tính toán từng bước |
Tiện lợi | Không cần nhớ công thức, chỉ cần nhập dữ liệu | Phải hiểu và áp dụng đúng quy định pháp luật |
Tính linh hoạt | Có thể thử nhiều mức thu nhập khác nhau để dự đoán thuế | Cần tính toán lại nếu có thay đổi trong dữ liệu |
Khả năng áp dụng | Phù hợp cho cá nhân, tổ chức muốn tra cứu nhanh | Dành cho kế toán viên, người cần kiểm tra chi tiết |
Trên đây là những chia sẻ từ Luật Trí Minh về cách tính thuế thu nhập cá nhân mới nhất. Người lao động cần nắm rõ các khoản giảm trừ và cách kê khai để tối ưu số thuế phải nộp. Trong trường hợp cần trao đổi chi tiết hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại Luật Trí Minh, vui lòng liên hệ qua Email: contact@luattriminh.vn hoặc số Hotline: 024 3766 9599 (Hà Nội) và 028 3933 3323 (TP.HCM) để được hỗ trợ kịp thời!