Ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Tuy nhiên, việc kinh doanh dịch vụ lữ hành này đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Hãy cùng Luật Trí Minh tìm hiểu quy định pháp lý cần thiết để tiến hành thủ tục xin giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành Nội địa ngay trong bài viết hôm nay!
Mục lục
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nhằm mục đích phục vụ khách du lịch nội địa. Để kinh doanh dịch vụ này, căn cứ theo Luật Du Lịch 2017, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định sau:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;
- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
Trong đó, căn cứ Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL, người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau: chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Chuyên ngành về lữ hành được thể hiện trên bằng tốt nghiệp của một trong các ngành, nghề, chuyên ngành sau đây:
- Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
- Quản trị lữ hành;
- Điều hành tour du lịch;
- Marketing du lịch;
- đ) Du lịch;
- Du lịch lữ hành;
- Quản lý và kinh doanh du lịch;
- Quản trị du lịch MICE;
- Đại lý lữ hành;
- Hướng dẫn du lịch;
- Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực;
- Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
- Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành quy định tại điểm l và điểm m khoản này thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.’’
Văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
2. Hồ sơ cần chuẩn bị để xin giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Để tiến hành nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, cần chuẩn bị những hồ sơ sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định (Mẫu số 04 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL).
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành
- Văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
3. Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành
Theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 94/2021/NĐ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp khi đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bắt buộc phải thực hiện ký quỹ tại ngân hàng thương mại. Mức ký quỹ được ấn định là 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng Việt Nam).
Khoản tiền này sẽ được gửi vào tài khoản ký quỹ mở tại một ngân hàng có trụ sở hoạt động tại Việt Nam, nhằm đảm bảo khả năng tài chính của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Việc ký quỹ không chỉ là một yêu cầu pháp lý bắt buộc, mà còn là cơ chế để nhà nước giám sát, bảo vệ quyền lợi khách du lịch trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng hoặc gặp sự cố trong quá trình tổ chức tour.
4. Trình tự, thủ tục xin giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa:
Căn cứ Luật Du lịch 2017, để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, doanh nghiệp cần thực hiện theo thủ tục như sau:
- Bước 1: Đăng ký doanh nghiệp tại SKHĐT.
- Bước 2: Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở.
- Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Theo quy định tại Điều 32 Luật Du lịch 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Du lịch tại địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
Thủ tục xin giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành Nội địa tương đối đơn giản, nhưng đòi hỏi doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Trường hợp bạn đọc có bất kỳ khó khăn nào trong quá trình thực hiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại Luật Trí Minh, vui lòng liên hệ qua Email: contact@luattriminh.vn hoặc số Hotline: 024 3766 9599 (Hà Nội) và 028 3933 3323 (TP.HCM) để được hỗ trợ kịp thời.