Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật về thuế và pháp luật khác liên quan nhằm thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 41 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế  thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội vừa qua, lãnh đạo VNPT Technology cho biết doanh nghiệp CNTT này rất mong chờ những ưu đãi thuế theo chủ trương tại Nghị định 41 của Chính phủ được triển khai trong thực tế.

Văn phòng Chính phủ ngày 27/3 vừa qua đã có công văn 2798 gửi các Bộ: KH&CN, Tài chính, Tư pháp để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển CNTT.

Theo đó, tại công văn nêu trên, Văn phòng Chính phủ cho biết, xét đề nghị của Bộ KH&CN và ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với kiến nghị của Bộ KH&CN tại công văn 4265/BKHCN-CNC ngày 20/12/2017. Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật về thuế và pháp luật khác liên quan nhằm thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT (Nghị quyết 41).

Nghị quyết 41 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam được Chính phủ ban hành tháng 5/2016 nhằm mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT và đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển CNTT trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo Nghị quyết này, thu nhập từ các dự án sản xuất nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm …sẽ được áp dụng mức thuế đang áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (10% trong vòng 15 năm đối với doanh nghiệp mới thành lập). Nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT cũng sẽ được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, hiện những chính sách ưu đãi về thuế đối các các doanh nghiệp CNTT và đội ngũ nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT theo như chủ trương đã được Chính phủ vạch ra tại Nghị quyết 41 vẫn chưa được triển khai trong thực tế. Tồn tại này từng được Luật sư Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đưa ra trong tham luận tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT2006 diễn ra hồi trung tuần tháng 11 năm ngoái. Ông Hòa chia sẻ: “Chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT thời gian qua vẫn có một số tồn tại. Đơn cử như, chính sách ưu đãi về thuế với doanh nghiệp CNTT theo quy định tại Nghị quyết 41 của Chính phủ hiện vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa được triển khai vào thực tiễn để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thu hút nguồn nhân lực, thu hút đầu tư phát triển ngành và thúc đẩy ứng dụng CNTT”.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 41 của Chính phủ, trung tuần tháng 1/2018, trong báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử trong năm 2017, Văn phòng Chính phủ khi đó đã thông tin: triển khai công việc Chính phủ giao tại Nghị quyết 41, Bộ Tài chính đang triển khai thực hiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế thu nhập doanh nghiệp về quy định ưu đãi thuế đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ để thực hiện Luật Công nghệ cao, Luật KH&CN.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 13/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và cần đặc biệt khuyến khích, theo đó các doanh nghiệp thực hiện dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT thuộc các Danh mục được phê duyệt sẽ được áp dụng hưởng các chính sách ưu đãi.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 3/2018, trong nội dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, trước áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT, đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai một số giải pháp cụ thể, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT như các chính sách về đầu tư, ưu đãi về thuế, thuê sản phẩm và dịch vụ CNTT, tạo thị trường cho sản phẩm CNTT trong nước….

M.T

Đánh giá bài viết