Giấy phép khác

ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÁT HÀNH GAME ONLINE TẠI VIỆT NAM

Mục lục

ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÁT HÀNH GAME ONLINE TẠI VIỆT NAM

Ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) là một ngành kinh doanh có điều kiện và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép. Theo đó, doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng đáp ứng điều kiện pháp luật, tùy thuộc vào từng loại game cụ thể mà pháp luật cũng có những quy định riêng về điều kiện phát hành. Vậy điều kiện để phát hành trò chơi điện tử trên mạng (game online) tại Việt Nam được quy định cụ thể như thế nào?

1. Trò chơi điện tử trên mạng (game online) là gì?

Theo khoản 9 Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, game online (dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng) là trò chơi trên mạng internet, trong đó người chơi cùng nhau tham gia chơi các trò chơi điện tử được chơi trực tiếp hoặc tải về từ trên mạng.

2. Phân loại trò chơi điện tử điện tử trên mạng (game online):

Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, trò chơi điện tử trên mang được phân loại theo hai phương thức chính: Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ và phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi. 

2.1. Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ:

Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được phân loại theo kí tự trò chơi G1, G2, G3 và G4, bao gồm:

- Trò chơi G1: Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp. Khi chơi game, người chơi có thể tương tác với người khác thông qua nhắn tin, nói chuyện,… và được quản lý bởi hệ thống máy chủ trò chơi (Server Game) do nhà phát hành cung cấp. Ví dụ trò chơi G1 nổi tiếng hiện nay: Trò chơi PUBG, Free Fire, Liên Quân, Liên Minh Huyền Thoại, Đột Kích, Audition, Play Together,…

- Trò chơi G2: Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp. Những tựa game này được hiểu là người chơi có thể tải game từ các kênh phát hành trên mạng internet, tuy nhiên game đã được lập trình sẵn và được quản lý bởi hệ thống máy chủ trò chơi (Server Game) do nhà phát hành cung cấp ,để người dùng trải nghiệm và không có sự tương tác giữa người chơi trong game với nhau. Ví dụ: Trò chơi Temple Run, Candy Crush Saga, Zombie Tsunami, Talking Tom,…

- Trò chơi G3: Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp. Phổ biến nhất đối với tựa game G3 là chơi trên các bộ máy chơi game cầm tay như Playstation 3, 4 hay Xbox 360 các Trò chơi Pes, Gran Turismo,…qua đó người chơi có thể tương tác, chơi game với nhau thông qua bộ máy chơi game.

- Trò chơi G4: Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp. Trong đó, người chơi có thể chơi game online hoặc offine mà không ảnh hưởng đến game, mục đích tựa game này người chơi dung để giải trí trong lúc rảnh rỗi. Ví dụ: Trò chơi Pikachu, Đố vui, Cờ vua, Cờ tướng,… 

2.2. Phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi:

Trò chơi điện tử được phân loại theo các độ tuổi người chơi như sau phù hợp với nội dung và kịch bản của trò chơi, cụ thể:

- Trò chơi điện tử dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên, ký hiệu là 18+) là trò chơi có hoạt động đối kháng có sử dụng vũ khí; không có hoạt động, âm thanh, hình ảnh khiêu dâm.

- Trò chơi điện tử dành cho thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên, ký hiệu là 12+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí nhưng hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh, rõ ràng; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

- Trò chơi điện tử dành cho mọi lứa tuổi (ký hiệu là 00+) là những trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hoạt động, âm thanh, hình ảnh nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

3. Điều kiện để doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử trên mạng (game online) tại Việt Nam: 

3.1. Điều kiện để doanh nghiệp pháp hành game G1 tại Việt Nam:

Doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi G1 khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Để được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ điều kiện như sau:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp Luật Việt Nam, có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có mã ngành cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (Mã 6190: Hoạt động viễn thông khác; chi tiết: Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; Mã 9329: Hoạt động vui chơi giải trí khác chưa được phân vào đâu; chi tiết: Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng)

- Doanh nghiệp đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ;

- Doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động;

- Doanh nghiệp biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

Sau khi được cấp Giấy phép game G1, doanh nghiệp chỉ được phát hành từng game G1 ra thị trường khi có Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Để được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ điều kiện như sau:

- Doanh nghiệp có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử còn thời hạn tối thiểu 01 năm.

- Nội dung, kịch bản trò chơi điện tử sẽ được Hội đồng thẩm định trò chơi Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt nếu đáp ứng các yêu cầu sau đây:

+ Không vi phạm quy định pháp luật.

+ Không có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn; kích động bạo lực, thú tính; dung tục, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử.

+ Không có hình ảnh, âm thanh miêu tả hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, khủng bố; hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác.

+ Các yêu cầu khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nghiệp vụ cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử theo quy định của pháp luật.

3.2. Điều kiện để doanh nghiệp phát hành game G2,G3,G4 tại Việt Nam:

Doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi G2,G3,G4 khi có Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 và Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ điều kiện như sau:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (Mã 6190: Hoạt động viễn thông khác; chi tiết: Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; Mã 9329: Hoạt động vui chơi giải trí khác chưa được phân vào đâu; chi tiết: Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng).

- Đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ trong trường hợp cung cấp dịch vụ trên Internet.

- Ngoài ra, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về nhân sự cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử bao gồm:

+ Có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng;

+ Có đội ngũ nhân sự quản trị trò chơi điện tử phù hợp quy mô hoạt động và loại hình cung cấp dịch vụ.

+ Có đủ khả năng tài chính để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phù hợp với quy mô hoạt động.

- Điều kiện về kỹ thuật cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử bao gồm:

+ Hệ thống quản lý thanh toán cho các trò chơi điện tử (nếu có) của doanh nghiệp phải đặt tại Việt Nam và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán của Việt Nam, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ và cho phép người chơi có thể tra cứu được thông tin chi tiết về tài Khoản thanh toán của mình.

+ Có phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ và quyền lợi của người chơi.

+ Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4, thì tối thiểu 30 ngày làm việc trước khi chính thức cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4. Doanh nghiệp phải gửi hồ sơ thông báo đối với từng trò chơi điện tử sẽ phát hành tới Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử để được cấp phép và phê duyệt.

4. Dịch vụ xin Giấy phép phát hành trò chơi điện tử trên mạng của Luật Trí Minh:

- Tư vấn và hỗ trợ khách hàng các vấn đề liên quan đến thủ tục xin cấp Giấy phép phát hành trò chơi điện tử trên mạng.

- Nhận tài liệu và soạn thảo hồ sơ để thực hiện việc xin cấp Giấy phép phát hành trò chơi điện tử trên mạng.

- Nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ trong thời gian cấp phép tại cơ quan có thẩm quyền.

- Nhận kết quả và bàn giao bản gốc cho khách hàng.

>>> Hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo thông tin liên hệ dưới đây để cùng trao đổi, tư vấn, xúc tiến hợp tác và rất nhiều hỗ trợ pháp lý liên quan.
  • CÔNG TY LUẬT TRÍ MINH - TRI MINH LAW FIRM

    • Hà Nội: Tầng 5, Số 1 Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa

    • SĐT: (024).3766.9599

    • HCM: Tầng 11, Tòa Nhà 246, Số 246 Cống Quỳnh, P Phạm Ngũ Lão, Q1

    • SĐT: (028).3933.3323

    • Email: contact@luattriminh.vn

    • https://www.luattriminh.vn

GỌI LUẬT SƯ | YÊU CẦU BÁO PHÍ | ĐẶT LỊCH HẸN

Liên hệ với chúng tôi

Điền thông tin của bạn vào đây