Chia tách hợp nhất

Những rủi ro pháp lý trong hoạt động m&a xuyên quốc gia

Mục lục

NHỮNG RỦI RO PHÁP LÝ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG HOẠT ĐỘNG M&A XUYÊN QUỐC GIA


Ngày nay, khi quá trình hội nhập kinh tế ngày càng phát triển sâu rộng, các hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) diễn ra ngày càng phổ biến. Trong những năm gần đây, hoạt động này diễn ra một cách sôi động và rộng rãi trên thị trường Việt Nam.


Với chủ chương hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tạo ra những khuôn khổ pháp lý rộng mở thúc đẩy các cơ hội đầu tư thông qua hoạt động M&A.
Tuy nhiên, do hoạt động M&A xuất hiện tại thị trường Việt Nam khá muộn, từ khoảng những năm 1990. Vì vậy những hạn chế về kinh nghiệm, vốn và năng lực đã khiến cho sự tham gia của các doanh nghiệpViệt Nam tham gia hoạt động M&A chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài, họ có kinh nghiệm trong lĩnh vực trên nên luôn chiếm các vị trí áp đảo về số lượng và quy mô các thương vụ.

 
Đứng trước những thách thức trong hoạt động M&A nói chung và M&A xuyên quốc gia nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam phải có những nền tảng kiến thức sâu rộng về bản chất và phải đặc biệt lưu ý đến các vấn đề pháp lý cơ bản, nhằm thúc đẩy sự phát triển có hiệu hiệu quả hoạt động M&A, nâng cao ưu thế của mình đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Để phòng ngừa và hạn chế tối đa những rủi ro pháp lý, doanh nghiệpViệt Nam cần lưu ý các vấn đề sau:


Một là, đánh giá các điều kiện thực hiện hoạt động đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài theo pháp luật đầu tư. 
Theo Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế trừ các trường hợp theo pháp luật về chứng khoán, pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, pháp luật khác có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Vì vậy, trước khi tham gia hoạt động M&A, doanh nghiệp cần xem xét lĩnh vực dự định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A để tiến hành rà soát hướng dẫn của luật chuyên ngành trong lĩnh vực đó, từ đó đưa ra mức tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần hợp lý. Liên quan đến giao dịch M&A, Luật Đầu tư năm 2020 quy định cụ thể các hình thức nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư gồm góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần lưu ý nhà đầu tư nước ngoài không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà chỉ thực hiện thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư. Đồng thời, cần xem xét các trường hợp thực hiện thủ tục hậu M&A với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Hai là, thẩm định chi tiết pháp lý liên quan đến các vấn đề kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh. Về mặt lý thuyết, M&A là một hình thức tập trung kinh tế có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, triệt tiêu cạnh tranh và gây ra hiện tượng độc quyền trên thị trường, làm ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội, vì vậy cần có sự điều chỉnh của pháp luật.
So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh năm 2018 không quy định cấm tập trung kinh tế một cách cứng nhắc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan, mà thay vào đó chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải xác định thị phần của mình và dự tính thị phần kết hợp nếu thực hiện M&A và đặc biệt chủ động tự đánh giá quy mô doanh nghiệp của mình và doanh nghiệp mục tiêu. Ngoài ra, dựa trên các tiêu chí mà pháp luật đặt ra để xem xét nhóm tập trung kinh tế cần kiểm soát, doanh nghiệp cần lưu ý để thực hiện thông báo tập trung kinh tế theo quy định gồm: Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế; Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Ba là, thẩm định tình trạng pháp lý của các bên tham gia giao dịch. Trong giao dịch M&A, đây là công đoạn quan trọng nhằm tạo ra căn cứ đưa ra kết luận về tính hợp pháp của các quyền và nghĩa vụ pháp lý doanh nghiệpmục tiêu đã xác lập. Theo đó, doanh nghiệpcần xác định quan hệ pháp lý nội bộ của các cổ đông, thành viên doanh nghiệp, chủ sở hữu tài sản, chế độ pháp lý đối với các loại tài sản, hồ sơ dự án, quyền sử dụng đất, các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác đầu tư, hợp đồng đối với người lao động… từ đó có giải pháp hạn chế rủi ro và đưa ra quyết định M&A phù hợp.
Cụ thể, thẩm định tổng thể hồ sơ và các sự kiện pháp lý nhằm nhận diện tính hợp pháp, việc tuân thủ pháp luật trong quá trình hình thành và phát triển của các bên. Trên cơ sở điều lệ, các thoả thuận của các cổ đông, kết cấu tổ chức hoạt động của doanh nghiệp, chức năng nhiệm vụ của bộ máy quản lý điều hành và các thoả thuận liên doanh, liên kết… để đưa ra kết luận về tính hợp pháp của doanh nghiệp mục tiêu.
Cùng với đó, xem xét đầy đủ việc đăng ký kinh doanh, đăng ký kê khai nộp thuế, sử dụng con dấu, tư cách và tính hợp pháp của các giao dịch do người đại diện pháp luật thực hiện kể cả của các công ty con, đơn vị trực thuộc cũng như các yêu cầu tuân thủ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các giao dịch dân sự với các bên thứ ba, yêu cầu đáp ứng các điều kiện kinh doanh cũng như tính hợp pháp của việc hình thành các cơ quan quản lý nội bộ doanh nghiệp.

Bốn là, xem xét, điều chỉnh và soạn thảo bằng văn bản tất cả các thỏa thuận quan trọng. Do tính chất phức tạp của hoạt động M&A và yếu tố quốc tế của M&A xuyên quốc gia, doanh nghiệp cần phải lưu ý đến hình thức của các hợp đồng giữa các bên nhằm có cơ sở pháp lý rõ ràng cũng như tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp nếu có trong tương lai. Các hợp đồng quan trọng cần xem xét như hợp đồng mua tài sản, hợp đồng tín dụng, các cam kết vay ngân hàng, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản công ty, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể... Đồng thời, soạn thảo chi tiết các hợp đồng trong giao dịch M&A như thỏa thuận độc quyền và bảo mật, hợp đồng M&A (Hợp đồng mua bán doanh nghiệp, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán/chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp). 
Hoạt động M&A là hoạt động đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần đánh giá kỹ lưỡng các cơ hội và có các biện pháp cụ thể để hạn chế tối đa các rủi ro khi tham gia.

 

  • CÔNG TY LUẬT TRÍ MINH - TRI MINH LAW FIRM

    • Hà Nội: Tầng 5, Số 1 Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa

    • SĐT: (024).3766.9599

    • HCM: Tầng 11, Tòa Nhà 246, Số 246 Cống Quỳnh, P Phạm Ngũ Lão, Q1

    • SĐT: (028).3933.3323

    • Email: contact@luattriminh.vn

    • https://www.luattriminh.vn

GỌI LUẬT SƯ | YÊU CẦU BÁO PHÍ | ĐẶT LỊCH HẸN

Liên hệ với chúng tôi

Điền thông tin của bạn vào đây