Chia tách hợp nhất

Những điều cần lưu ý khi mua lại doanh nghiệp khác

Mục lục

CẦN LƯU Ý GÌ KHI MUA LẠI DOANH NGHIỆP KHÁC ?
 
Việc mua lại tài sản hay doanh nghiệp khác giúp cho nhà đầu tư hay các doanh nghiệp khác (sau đây gọi là bên mua) rút ngắn được nhiều thời gian, công sức, kinh nghiệm cũng như tận dụng được vị thế hiện có khi được thừa hưởng những gì mà doanh nghiệp đó đã gây dựng.
Những lợi thế đó có thể là dây chuyền sản xuất, hệ thống quản lý, bộ máy nhân sự, hệ thống khách hàng hay còn là thương hiệu, vị thế của doanh nghiệp đó trên thị trường... Những lợi thế này còn tuỳ thuộc vào nhu cầu của bên mua, phụ thuộc mục đích mua lại doanh nghiệp để làm gì. Tuy nhiên đó là những lợi thế khi mua lại doanh nghiệp có thể kể tới, còn rủi ro thì sao ?
 
Trên thực tế, trước khi mua lại một doanh nghiệp khác, bên mua phải xem xét rất nhiều yếu tố để đảm bảo không có rủi ro hoặc rủi ro ở mức thấp nhất có thể chấp nhận được thì mới nên tiến hành nhận chuyển nhượng. Rủi ro xảy ra có thể là rủi ro về pháp lý,về tài chính, về thị trường hay rủi ro về công nghệ… 

Vậy, làm như nào để nhận diện rủi ro và  hạn chế gặp phải những rủi ro nêu trên ?

Một thương vụ mua bán doanh nghiệp (M&A) thường trải qua rất nhiều giai đoạn. Trong đó cần lưu ý để giai đoạn đầu tiên, cũng là giai đoạn rất quan trọng, đó là giai đoạn chuẩn bị giao kết Hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
Thông thường ở giai đoạn này, các bên đã ký với nhau các biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hay thỏa thuận bảo mật để bên bán cung cấp toàn bộ thông tin của doanh nghiệp của mình cho bên mua hoặc cung cấp theo yêu cầu của bên mua. Dựa vào các tài liệu này, bên mua có thể độc lập kiểm tra, soát xét hoặc thuê các tổ chức hành nghề Luật sư, kiểm toán hay thẩm định giá để tiến hành kiểm tra soát xét độp lập để đưa ra những đánh giá về lợi thế cũng như những rủi ro mà bên mua có thể gặp phải. Dựa trên báo cáo thẩm định pháp lý, báo cáo thẩm định tài chính,…bên mua có thể tham khảo để cân nhắc đưa ra quyết định có mua hay không và mức giá có thể mua là bao nhiêu. 

Thứ nhất, rủi ro về mặt pháp lý. 

Nhiều khi các bên quan tâm nhiều hơn về các vấn đề tài chính mà quên mất rủi ro về pháp lý. Những rủi ro về mặt pháp lý có thể bao gồm: rủi ro trong quá trình hoạt động (đang bị tạm ngừng hay buộc phá sản do vi phạm các nghĩa vụ về thuế hay nợ đọng các khoản tiền, không tuân thủ quy định của pháp luật khi kinh doanh); rủi ro đến từ cơ quan quản lý nhà nước - chủ thể có quyền ban hành các quyết định hành chính và có sẵn bộ máy để cưỡng chế thực hiện quyết định này; từ các hành động pháp lý của đối tác - chủ thể có quyền hành động hoặc không hành động dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên; rủi ro đến từ các hành vi cố ý, vô ý hoặc bất cẩn của cán bộ quản lý và người lao động của doanh nghiệp; tranh chấp,…. dẫn tới doanh nghiệp đang bị kiện tụng hay vướng vào các vấn đề pháp lý khác. Vì vậy việc tiến hành kiểm tra các vấn đề pháp lý trước khi quyết định mua lại là thực sự cần thiết. Tùy vào từng giao dịch thực tế, ngành nghề đặc thù của doanh nghiệp mục tiêu trong hoạt động M&A hoặc tùy vào thỏa thuận giữa bên mua và bên bán mà các yêu cầu tài liệu cho vấn đề thẩm định pháp lý có thể được soạn thảo, điều chỉnh khác nhau nhưng tựu chung lại thì có thể tổng kết tài liệu sau đây :
 
1. Hồ sơ thành lập và hoạt động ( Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các loại giấy phép, Điều lệ doanh nghiệp và các giấy tờ cần thiết khác liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động)
2. Hồ sơ về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp (Các biên bản/thỏa thuận/hợp đồng góp vốn giữa các sáng lập viên/thành viên/ cổ đông sáng lập/cổ đông hiện hữu ; Các thỏa thuận, hợp đồng mua bán – chuyển nhượng cổ phần/vốn góp/trái phiếu, hợp đồng vay chuyển đổi và các thỏa thuận khác có liên quan đến việc chuyển nhượng/góp vốn/phát hành thêm cổ phần; Giấy chứng nhận vốn góp/Giấy chứng nhận sở hữu phần vốn góp và tài liệu tương tự (nếu có); Biên bản định giá tài sản góp vốn/chứng thư thẩm định giá tài sản góp vốn; Chứng từ chứng minh các giao dịch chuyển khoản cho việc góp vốn, chuyển nhượng/biên bản bằng văn bản hay xác nhận khác tương đương về vấn đề này; và tất cả các tài liệu liên quan khác kể từ thời điểm thành lập và từng thời điểm phát sinh. 
3. Hồ sơ về nhân sự và cơ cấu tổ chức (Tất cả biên bản họp, nghị quyết/quyết định của Hộiđồng quản trị/Hội đồng thành viên và Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề bổ nhiệm, bãi nhiệm, xử lý kỷ luật của những vị trí chủ chốt của Doanh nghiệp liên quan đến bộ máy nhân sự và cơ cấu tổ chức; danh sách Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị,…
4. Hồ sơ về lao động (Hợp đồng lao động của nhân sự trong công ty; các quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật lao động; Nội quy lao động; Thang bảng lương; Thỏa ước lao động tập thể,...và tất cả những giấy tờ liên quan khác.
5. Hợp đồng, giao dịch ( Các hợp đồng đã ký kết liên quan đến hoạt động kinh doanh của bên bán bao gồm cả hơp đồng cung cấp dịch vụ cũng như sử dụng dịch vụ,…)
6. Hồ sơ về tài sản của doanh nghiệp (Danh mục tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp/thuê hoặc cho thuê/ được sử dụng dưới các hình thức khác của doanh nghiệp; tài liệu chứng minh quyền sở hữu/quyền sử dụng tài sản; văn bằng bảo hộ, đăng ký đối với các tài sản sở hữu trí tuệ…
7. Hồ sơ về thuế, kế toán, ngân hàng (Báo cáo tài chính các năm; hồ sơ sổ sách kế toán; Các xác nhận của ngân hàng về tình trạng tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp và bảng kê giao dịch tài khoản ngân hàng trong 03 năm tài chính gần nhất)
8. Hồ sơ về xử phạt, tranh chấp và tố tụng (Danh sách và tài liệu có liên quan đến các tranh chấpcủa Doanh nghiệp/Cổ đông sáng lập/Thành viên sáng lập; Các biên bản xử phạt hành chính/thanh tra, kiểm tra trực tiếp tới doanh nghiệp và các tài liệu khác cơ liên quan (nếu có);
 
Sau khi được cung cấp các tài liệu này, bên mua có thể tự tiến hành hoặc thuê các bên có chuyên môn về pháp lý như Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư tiến hành thẩm định để đưa ra Báo cáo thẩm định pháp lý. 

Thứ hai, rủi ro về mặt tài chính. 

Đây cũng là rủi ro mà bên mua đặc biệt quan tâm. Những rủi ro này có thể gồm rủi ro về nguồn vốn (ví dụ như bên mua chưa góp đủ vốn, nguồn vốn kinh doanh không minh bạch…), rủi ro về tài sản (việc định giá tài sản không đúng với giá trị thực tế), rủi ro về các khoản nợ đối với cơ quan nhà nước và đối tác. Thông thường để kiểm soát rủi ro về tài chính đối với những giao dịch M&A lớn các bên sẽ thuê các đơn vị kiểm toán độc lập để kiểm trả, soát xét lại toàn bộ báo cáo tài chính, tài sản và các vấn đề liên quan của doanh nghiệp để đưa ra báo cáo thẩm định tài chính. Ngoài ra có thể thuê các bên thẩm định giá để định giá tài sản của doanh nghiệp nếu như các bên không tự thỏa thuận được về việc định giá. Việc dựa trên các báo cáo này sẽ giúp bên mua nhìn ra được những số liệu và rủi ro liên quan đến tài chính để từ đó cân quyết định mua hay không, cũng như là căn cứ để đàm phán giá mua. 
Thứ ba, rủi ro về thị trường và các rủi ro khác. 
Lợi thế cạnh tranh thị trường cũng là một trong yếu tố mà bên mua đặc biệt quan tâm. Việc tận dụng tốt các lợi thế này sẽ giúp bên mua tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công tác xây dựng thị trường mà thay vào đó có thể bắt đầu khai thác những tiềm năng hiện có,..Tuy nhiên bên mua cũng cần cân nhắc những lợi thế này với rủi ro về pháp lý, tài chính và các rủi ro khác trước khi quyết định ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng doanh nghiệp. 
 
Trên đây là những lưu ý cho bên mua khi mua lại doanh nghiệp khác. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đưa ra lưu ý cơ bản để giúp bên mua nhận diện được rủi ro và có định hướng để kiểm soát, hạn chế những rủi ro đó. Trên thực tế có nhiều thương vụ M&A lớn rất thành công tại Việt Nam và trên thế giới cũng một phần là họ nhận diện và kiểm soát được những rủi ro này và tận dụng những lợi thế của doanh nghiệp khác nhằm thúc đẩy mô hình kinh doanh của mình nên những tầm cao mới.
Luật sư. Nguyễn Văn Trung
  • CÔNG TY LUẬT TRÍ MINH - TRI MINH LAW FIRM

    • Hà Nội: Tầng 5, Số 1 Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa

    • SĐT: (024).3766.9599

    • HCM: Tầng 11, Tòa Nhà 246, Số 246 Cống Quỳnh, P Phạm Ngũ Lão, Q1

    • SĐT: (028).3933.3323

    • Email: contact@luattriminh.vn

    • https://www.luattriminh.vn

GỌI LUẬT SƯ | YÊU CẦU BÁO PHÍ | ĐẶT LỊCH HẸN

Liên hệ với chúng tôi

Điền thông tin của bạn vào đây