Tin tức Triminhlaw

Mức bồi thường hợp đồng khi không tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh 1

Mục lục

Ngày 11/3/2020 Tổ chức Y tế Thế giới viết tắt (WHO) đã tuyên bố COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, hiện đang ảnh hưởng và gây thiệt hại trên phạm vi toàn cầu. Ngày 01/4/2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch Covid-19 là Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu và xác định quy mô, địa điểm của dịch bệnh là trên toàn quốc.
 
Govt reports rise in Covid-19 cases – Peril Of Africa
(Nguồn: Internet)
Trước tình hình diễn biến của đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, công tác phòng, chống dịch bệnh diễn ra hết sức khẩn trương. Vì vậy, người dân cả nước cần nghiêm chỉnh chấp hành tốt các chỉ thị, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
 
Tuy nhiên, có một bộ phận người dân vẫn chủ quan, thiếu ý thức thực hiện các biện pháp an toàn dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Dẫn đến  trường hợp bắt buộc cơ quan chức năng phải áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa cả tòa nhà, cơ quan, khu phố…
 
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người bị xâm phạm bởi các biện pháp cách ly của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, phải chăng các cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi vi phạm của người không chấp hành biện pháp an toàn dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Nói cách khác, chúng ta có quyền khởi kiện hành vi lây lan dịch bệnh gây thiệt hại cho cộng đồng?

CĂN CỨ PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO HÀNH VI KHÔNG TUÂN THỦ CÁC QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19  

Căn cứ quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ pháp sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
 
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
…”
Bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng là việc một chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra thiệt hại cho chủ thể khác.
Bên có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật”. Do đó, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện sau:
 
Một là, có thiệt hại xảy ra 
 
Thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Trách nhiệm BTTH chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần. Xét trong trường hợp các chủ thể là cá nhân, tổ chức bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cách ly tập trung trong vòng 14 ngày do tiếp xúc gần với người nhiễm virut Covid 19 hoặc bị áp dụng biện pháp phong tỏa tòa nhà, văn phòng.
 
Các biện pháp trên đã trực tiếp làm phát sinh thiệt hại mà các chủ thể phải gánh chịu như: Thu nhập thực tế bị mất đi từ tiền công, tiền lương, từ doanh thu đáng lẽ phải có trong 14 ngày cách ly tập trung; Thu nhập từ việc cho thuê văn phòng, các chi phí vận hành tòa nhà, văn phòng… Bên cạnh đó, đối với các cá nhân bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung do tiếp xúc phải người bệnh còn bị hạn chế về quyền tự do đi lại. Tuy nhiên, tác giả không phân tích vấn đề này tại đây.
 
Như vậy, chủ thể bị thiệt hại có thể là cá nhân, tổ chức hoặc cộng đồng và về mặt thiệt hại thực tế phát sinh là có căn cứ và có thể chứng minh được các khoản thiệt hại trên. Mặt khác, lưu ý rằng chủ thể có quyền yêu cầu khởi kiện, bồi thường thiệt hại theo bộ luật tố tụng dân sự có thể là cá nhân, tổ chức có tư cách pháp nhân và kể cả cơ quan có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
 
Bên cạnh đó, đối với các cá nhân bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung do tiếp xúc phải người bệnh còn bị hạn chế về quyền tự do đi lại. Tuy nhiên, tác giả không phân tích vấn đề thiệt hại này tại đây.
 
Hai là, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật
 
Hành vi trái pháp luật trong trách nhiệm dân sự là những xử sự cụ thể của chủ thể được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác
 
- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;
- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm;
- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
04 hành vi trái pháp luật nêu trên rất dễ mắc phải khi dịch bệnh Covid-19 có thời gian ủ bệnh kéo dài và không có biểu hiện lâm sàng hoặc có rất ít biểu hiện, triệu chứng mắc bệnh trong giai đoạn đầu.
 
Trong đó, hành vi cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về việc đã tiếp xúc hoặc khai báo gian dối về lịch trình di chuyển và lịch sử tiếp xúc gây khó khăn cho cơ quan chức năng về việc khoanh vùng và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh dẫn đến việc gây thiệt hại cho các chủ thể khác.
 
Bên cạnh đó để cụ thể hóa các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành và tuyên truyền đầy đủ, rộng rãi các quy định, hướng dẫn về giãn cách xã hội cũng như phòng chống dịch bệnh. Có thể kể đến như: Các chỉ thị của Thủ tướng chính phủ.
 
Chỉ thị: số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020; Chỉ thị số: 06/CT-TTg ngày 31/1/2020, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020; các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan. Đây được xem là các văn bản quy định về việc phòng, chống dịch Covid-19.
 
Như vậy, chủ thể bị khởi kiện có thể là cá nhân hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân có một trong số các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh Covid-19 dẫn đến gây thiệt hại cho các chủ thể khác là một trong các căn cứ để buộc BTTH ngoài hợp đồng.
 
Ba là, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
 
Hành vi trái pháp luật sẽ là nguyên nhân của thiệt hại nếu giữa hành vi đó và thiệt hại có mối quan hệ tất yếu có tính quy luật chứ không phải ngẫu nhiên.
 
Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng chính hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của các chủ thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền như phong tỏa, cách ly… những người có liên quan và bị ảnh hưởng trực tiếp từ hành vi vi phạm trên điều này làm phát sinh thiệt hại trên thực tế.
 
Tuy nhiên, sẽ có quan điểm cho rằng chính biện pháp cách ly của cơ quan có thẩm quyền áp dụng mới là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại cho các chủ thể bị cách ly, ảnh hưởng.
 
Tác giả không đồng ý với quan điểm trên vì chính hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh của các chủ thể mới làm phát sinh hành vi gây thiệt hại cho các chủ thể khác bị ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm đó.
 
Đối với các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là các quyết định nhằm ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh từ hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân tổ chức. Các quyết định này được ban hành thực hiện đúng quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, giữa hành vi vi phạm và thiệt hại có mối quan hệ nhân quả mật thiết với nhau. 
 
Tóm lại, đối với yêu cầu BTTH ngoài hợp đồng do hành vi không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sẽ phát sinh khi các chủ thể thõa mãn về điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường như phân tích bên trên. 

NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Căn cứ Điều 585 BLDS 2015 có năm nguyên tắc bồi thường thiệt hại cần phải tuân thủ như sau:
 
Thứ nhất, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
 
Cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
 
Do đó, đối với các thiệt hại thực tế phát sinh từ hành vi vi phạm của chủ thể không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sẽ phải được bồi thường toàn bộ, kịp thời các thiệt hại phát sinh như thu nhập mất, giảm sút, thu nhập từ tiền công, tiền lương, khoản lợi nhuận đáng phải có.
 
Thứ hai, người chịu trách nhiệm BTTH có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện song song với nhau, sau đây:
 
(i). Do không có lỗi hoặc có lỗi vô ý mà gây thiệt hại.
(ii). Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.
 
Thứ ba, khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
 
Mức BTTH không còn phù hợp với thực tế là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức BTTH không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại.
 
Thứ tư, khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Với lý lẽ công bằng, gây thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó, nhưng trong nhiều trường hợp bên bị thiệt hại lại là bên có phần lỗi dẫn đến thiệt hại. 
 
Thứ năm, bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
 
Trong trường hợp đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh Covid-19 nhưng lại không tuân thủ lệnh cách ly tập trung hoặc có các hành vi che giấu, không hợp tác dẫn đến thiệt hại về sức khỏe cũng như tài sản ngày càng nghiêm trọng hơn thì trong trường hợp này bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường do đã không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình. 

QUYỀN KHỞI KIỆN

Căn cứ Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: 
“Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
 
Như vậy, tất cả các chủ thể bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của chủ thể khác có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẳm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Pháp luật không hạn chế quyền khởi kiện của cá nhân, tổ chức. Bất cứ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào có đủ năng lực hành vi dân sự đều có quyền khởi kiện vụ án dân sự, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
 
Do đó, trong trường hợp này, nếu các chủ thể chứng minh được những thiệt hại, quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm do bệnh nhân nhiễm Covid-19 làm lây lan dịch bệnh thì bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện họ.

KẾT LUẬN

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, thiệt hại về kinh tế mà đại dịch gây ra hết sức nghiêm trọng đến nền kinh tế. Vì vậy, để góp phần đẩy lùi dịch bệnh, tất cả người dân phải tuân thủ nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của cơ quan nhà nước.
 
Dịch bệnh có thể coi là trường hợp bất khả kháng và có thể được miễn trách nhiệm dân sự nhưng lỗi của cá nhân trong việc tham gia thực hiện các biện pháp phòng chóng dịch.

Ngoài tư vấn liên quan đến mức bồi thường hợp đồng khi không tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh, Luật Trí Minh còn cung cấp nhiều dịch vụ pháp lý liên quan khác đối với người nước ngoài, công ty vốn nước ngoài, ví dụ như:

(1) Dịch vụ tư vấn pháp luật thường xuyên

(2) Dịch vụ tư vấn hợp đồng hợp tác kinh doanh vốn nước ngoài

(3) Dịch vụ tư vấn góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp công ty Việt Nam

(4) Tư vấn đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư cho công ty vốn nước ngoài

(5) Tư vấn thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho công ty vốn nước ngoài

(6) Tư vấn xin Visa, Giấy phép lao động, Thẻ tạm trú cho nhà đầu tư, người lao động, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại công ty vốn nước ngoài

(7) Tư vấn hợp đồng và các giao dịch kinh doanh của công ty vốn nước ngoài

>>> Hãy liên hệ ngay với Công ty Luật chúng tôi theo thông tin liên hệ dưới đây để cùng trao đổi, tư vấn, xúc tiến hợp tác và rất nhiều hỗ trợ pháp lý liên quan.

(SINCE 2007) CÔNG TY LUẬT TRÍ MINH

Website: www.luattriminh.vn

Email: contact@luattriminh.vn

 

  • CÔNG TY LUẬT TRÍ MINH - TRI MINH LAW FIRM

    • Hà Nội: Tầng 5, Số 1 Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa

    • SĐT: (024).3766.9599

    • HCM: Tầng 11, Tòa Nhà 246, Số 246 Cống Quỳnh, P Phạm Ngũ Lão, Q1

    • SĐT: (028).3933.3323

    • Email: contact@luattriminh.vn

    • https://www.luattriminh.vn

GỌI LUẬT SƯ | YÊU CẦU BÁO PHÍ | ĐẶT LỊCH HẸN

Liên hệ với chúng tôi

Điền thông tin của bạn vào đây