Tư vấn đầu tư ra nước ngoài

Một số câu hỏi về thủ tục đầu tư ra nước ngoài 2022

Mục lục

Hiện nay, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng. Việt Nam đã đầu tư vào rất nhiều các quốc gia trên thế giới như  Lào, Campuchia, Singapore, Philippine, Myanmar,… với nhiều lĩnh vực khác nhau về công nghiệp, xây dựng, sản xuất, chế biến hàng gia dụng,…

 

Theo thống kê của Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), Việt Nam là một trong những nước tích cực trong các hoạt động triển khai các dự án đầu tư ra nước ngoài, đa dạng về hình thức, quy mô, các loại hình kinh tế và nhà đầu tư tham gia đầu tư. Số liệu của Cục Ðầu tư nước ngoài cung cấp thì từ năm 1989 tới 2021, trên 21 tỷ USD đã được các Nhà đầu tư Việt Nam đẩy ra nước ngoài để triển khai các dự án, trọng điểm là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng và viễn thông.

Trên phương diện điểm đến đầu tư cũng rất đa dạng, tính tới năm 21, đã có trên 31 quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận dự án đầu tư của Việt Nam, trong đó nổi bật có các quốc gia Australia, Mỹ, Tây Ban Nha, Campuchia (Cambodia), Singapore. Có thể nhận thấy, việc tích cực tham gia các hiệp định song phương, đa phương, tham gia sâu rộng vào các diễn đàn thương mại, đầu tư quốc tế đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường, cơ hội đầu tư tại các nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp về khung pháp lý, điều kiện gia nhập thị trường, từ đó có thể tận dụng cơ hội phát triển.

Trong nước, Luật đầu tư 2020 cũng ngày càng hoàn thiện khung pháp lý, cải thiện và tinh gọn Thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm khuyến khích nhà đầu tư thực hiện dự án của mình một cách thận trọng với sự hỗ trợ hết sức của Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ban ngành, không chỉ trên khía cạnh quản lý hành chính, mà còn bảo vệ Nhà đầu tư khi đi ra biển lớn.

Trọng tâm của bài viết này, Trí Minh nhắm đến mục đích giúp Nhà đầu tư nắm được quy định của pháp luật Việt Nam đối với các thủ tục hành chính cần thiết nhất, nhằm trang bị cho nhà đầu tư thông tin tổng quát, góp phần giúp Nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện đối với thủ tục hành chính liên quan tới việc đầu tư ra nước ngoài. Trong hoàn cảnh dễ thay đổi như hiện nay với Dịch COVID – 19, các nội dung và thông tin ở trong bài viết này có thể có sự thay đổi. Trí Minh không chịu trách nhiệm với bất kỳ hậu quả nào đến từ việc Quý Khách hàng có thể sử dụng nội dung bài viết này và tự mình thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào có liên quan.

Nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài: 

- Nhà nước khuyến khích đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. 

- Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh tổ tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế có liên quan; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài. 

Phân loại dự án đầu tư nước ngoài

Dự án đầu tư ra nước ngoài có thể được phân loại thành dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài và dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài. 

Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài được quy định như sau: 

1. Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với: (i) Dự án có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên và (ii) Dự án yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

2. Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với: (i) Dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên và (ii) Dự án có vốn đầu tư từ 800 tỷ trở lên.

3. Các dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại mục 1 và 2 nêu trên không phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài. Nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Nhà đầu tư được phép đầu tư sang nước ngoài

Theo quy định của Luật đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư, Nhà đầu tư bao gồm: Doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Cá nhân mang quốc tịch Việt Nam; Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác được thành lập/hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Trong phạm vi của bài viết này, TRÍ MINH sẽ tập trung vào 2 đối tượng chủ yếu là Doanh nghiệp và Cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, do vậy khi nói tới Nhà đầu tư, sẽ chủ yếu tập trung vào 2 đối tượng này.

Điều kiện để Nhà đầu tư được đầu tư ra nước ngoài

(1) Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;

(2) Nhà đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước tại Việt Nam;

(3) Nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án và Nguồn vốn và tài sản đầu tư ra nước ngoài là nguồn vốn hợp pháp của Nhà đầu tư;

(4) Có quyết định đầu tư ra nước ngoài của cơ quan/tổ chức/bộ máy có thẩm quyền phù hợp với quy định của pháp luật;

(5) Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài sau đây phải có tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư: a) Dự án thuộc diện Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài; b) Dự án năng lượng; c) Dự án chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản; d) Dự án khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; đ) Dự án có xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo; e) Dự án đầu tư xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng; dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trừ các hoạt động cung cấp dịch vụ: môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, tư vấn bất động sản, quản lý bất động sản..

(6) Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi đầu tư ra nước ngoài: a) Ngân hàng; b) Bảo hiểm; c) Chứng khoán; d) Báo chí, phát thanh, truyền hình; đ) Kinh doanh bất động sản.

Vốn và tài sản đầu tư ra nước ngoài

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Vốn và tài sản đầu tư bao gồm: (i) Ngoại tệ hoặc ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; (ii) Đồng Việt Nam; (iii) Máy móc, thiết bị; vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm; (iv) Giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu; (v) Các tài sản hợp pháp khác.

Đối với tài sản bằng tiền, theo quy định của Ngân hàng nhà nước về giao dịch ngoại hối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài tại Thông tư 12/2016/NHNN, Nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư tại Ngân hàng được phép bằng 01 loại ngoại tệ/đồng Việt Nam phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư tại 01 Ngân hàng tại Việt Nam.Từ tài khoản này, Nhà đầu tư chuyển khoản tiền đầu tư bằng tiền mặt ra nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư. Công việc cần thực hiện bao gồm:

+ Mở tài khoản vốn đầu tư tại Ngân hàng tại Việt Nam

+ Đăng ký giao dịch ngoại hối tại Ngân hàng nhà nước – Chi nhánh nơi Nhà đầu tư là tổ chức có địa chỉ trụ sở chính hoặc Nhà đầu tư là cá nhân có địa chỉ thường trú.

Đối với việc góp vốn bằng tiền là ngoại tệ, nhà đầu tư phải thực hiện việc mua ngoại tệ tại Ngân hàng được phép hoặc sử dụng ngoại tệ của mình với cam kết nguồn ngoại tệ là hợp pháp.

Có thể thấy, theo quy định, việc đầu tư ra nước ngoài với tài sản bằng tiền phải thực hiện việc chuyển tiền từ Việt Nam. Trong trường hợp Nhà đầu tư đã có sẵn vốn đầu tư tại nước ngoài và mong muốn sử dụng vốn đầu tư này để thực hiện việc đầu tư tại nước ngoài là hình thức chuyển vốn không được phép.

Các hình thức góp bằng tài sản khác, chúng tôi sẽ có một bài viết chi tiết khác.

Hình thức đầu tư ra nước ngoài

Theo quy định của Luật đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư, có các loại hình thức đầu tư cụ thể như sau: a) Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; b) Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài; c) Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó; d) Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài; đ) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư..

Trong phạm vi bài viết này, 03 hình thức đầu tư chủ yếu mà Nhà đầu tư thường quan tâm nhất, đó là:

+ Thành lập 01 công ty tại nước ngoài, bao gồm: việc thành lập Công ty có duy nhất 1 thành viên/cổ đông do 01 cá nhân hoặc 01 tổ chức làm chủ sở hữu; hoặc thành lập Công ty có nhiều thành viên/cổ đông cùng đồng làm chủ sở hữu, trong đó có cổ đông là cá nhân/tổ chức Việt Nam và cổ đông là cá nhân/tổ chức nước ngoài.

+ Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài, bao gồm: mua cổ phần/phần vốn góp/góp vốn vào công ty đã thành lập ở nước ngoài để trở thành cổ đông/thành viên góp vốn của công ty tại nước ngoài.

+ Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư – Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật không quy định rõ các hình thức đầu tư này mỗi nước có quy định khác nhau về cách xếp hạng, phân loại và cách thức tổ chức doanh nghiệp/đầu tư/kinh doanh, Luật đầu tư đặt quy định rộng mở đối với hình thức này, tuy nhiên, có thể khẳng định hình thức này không bao gồm việc đầu tư mua bán chứng khoán, giấy tờ có giá tại các công ty niêm yết tại nước ngoài thông qua các tổ chức tài chính hoặc tổ chức được phép khác tại nước ngoài (hình thức đầu tư gián tiếp được quy định tại một văn bản quy phạm pháp luật khác – chúng tôi sẽ có bài chi tiết khác).

Các thủ tục đầu tư nước ngoài cần thiết

Để thực hiện được dự án đầu tư ra nước ngoài và chuyển vốn đầu tư bằng tiền mặt để thực hiện dự án, Nhà đầu tư phải thực hiện:

+ Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và đầu tư;

+ Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, Nhà đầu tư Đăng ký giao dịch ngoại hối để thực hiện việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.

+ Sau khi được cấp chấp thuận việc đăng ký giao dịch ngoại hối, Nhà đầu tư có thể chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư.

Với hơn 14 năm kinh nghiệm, có văn phòng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Luật Trí Minh luôn sẵn sàng tư vấn, lên kế hoạch cho toàn bộ thủ tục, đặt thời gian và phương án phù hợp với Nhà đầu tư để hoàn thành trọn vẹn thủ tục đầu tư ra nước ngoài của Nhà đầu tư.

Quý khách và bạn đọc có nhu cầu tư vấn chi tiết hơn, hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây. 

  • CÔNG TY LUẬT TRÍ MINH - TRI MINH LAW FIRM

    • Hà Nội: Tầng 5, Số 1 Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa

    • SĐT: (024).3766.9599

    • HCM: Tầng 11, Tòa Nhà 246, Số 246 Cống Quỳnh, P Phạm Ngũ Lão, Q1

    • SĐT: (028).3933.3323

    • Email: contact@luattriminh.vn

    • https://www.luattriminh.vn

GỌI LUẬT SƯ | YÊU CẦU BÁO PHÍ | ĐẶT LỊCH HẸN

Liên hệ với chúng tôi

Điền thông tin của bạn vào đây